logo
donate

Cách chào hỏi và giới thiệu bản thân bằng tiếng Hàn

Như các đã đã biết mọi mối quan hệ, mọi cuộc nói chuyện đều bắt đầu bằng những lời chào hỏi, hỏi thăm. Khi các bạn học một ngoại ngữ bất kỳ nào cũng vậy, có lẽ những từ, nhưng câu, những biểu hiện đầu tiên các bạn được học sẽ là chào hỏi. Tuy nhiên, mỗi một quốc gia sẽ có văn hóa chào hỏi khác nhau. Tiếng Hàn cũng vậy, nếu các bạn tìm hiểu sâu về văn hóa và ngôn ngữ tiếng Hàn thì các bạn sẽ phát hiện ra văn hóa chào hỏi của người Hàn rất thú vị. Đương nhiên trong mỗi một hoàn cảnh khác nhau họ sẽ sử dụng những lời chào khác nhau. Chính vì thế, trong bài viết này mình sẽ hưỡng dẫn cho các bạn những cách chào hỏi tự nhiên nhất, mẫu câu chào hỏi thông dụng nhất mà người Hàn thường sử dụng khi nói chuyện.  
Bài viết này mình sẽ chia ra làm hai phần chính, tương ứng với hai ngữ cảnh chính đó chính là: Cách chào hỏi với những người lần đầu bạn gặp mặt và cách chào hỏi đối với người quen. 

1. Cách chào hỏi những người lần đầu gặp mặt

Biểu hiện đầu tiên, cũng là biểu hiện phổ biến nhất, thậm chí mình thấy nhiều bạn chưa bao giờ học tiếng Hàn cũng có thể nói vanh vách câu này. 

1. 안녕하세요. 

Nếu phân tích câu này thì “안녕” có nghĩa là “Bình an”. 안녕하세요 có nghĩa là “Anh/ chị hãy bình an nhé”. Đôi khi người  Hàn thường lên giọng ở cuối câu giống như một câu hỏi  안녕하세요? (Anh chị có bình an không?/ Anh chị có khỏe không?), hay đơn giản giống như câu “Chào anh/chị…” như trong văn hóa chào hỏi của người Việt. 

Cách chào hỏi này được sử dụng phổ biến trong các tình huống, ví dụ như lần đầu gặp nhau cũng như là trong công việc, khi mới gặp cũng như lúc chia tay. 

Cách chào hỏi này không phân biệt tuổi tác vì đối với người Hàn Quốc, nếu là người lần đầu tiên gặp, hoặc trong những mối quan hệ xã giao, dù đối phương ít tuổi hơn thì họ vẫn luôn tôn trọng đối phương bằng cách sử dụng sử dụng hình thức chào hỏi lịch sự này. 

 

2. Thỉnh thoảng trong môi trường công ty, khi đi máy bay , trong khách sạn hoặc những nơi liên quan đến các ngành nghề dịch vụ các bạn có thể sẽ bắt gặp câu chào hỏi như: 

안녕하십니까 ? 

Cách chào này mang lại cảm giác rất lịch sự, trang trọng nhưng không thân mật như biểu hiện 안녕하세요?

Vì thế nếu bạn không phải là những người làm việc trong những ngành nghề mà mình vừa nêu trên thì không cần sử dụng câu chào này với người Hàn.

 

3. Tiếp theo là một lời chào mang tính chất thân mật, nhưng không trạng trọng: 

안녕 -  Chào em, chào bạn...

Cách chào hỏi này thường chỉ sử dụng cho những mối quan hệ cực kỳ thân thiết ví dụ như bạn thân hoặc các em ít tuổi hơn. 

Như mình vừa nói ở trên, người Hàn rất quan trọng lễ giáo. Nên nếu mối quan hệ của bạn và đối phương không đủ thân, hoặc trong những tình huống cần sự lịch sự thì  người đối phương dù có bằng tuổi bạn hoặc ít tuổi hơn bạn, thì cũng không nên sử dụng lời chào này nhé. Còn nếu thật sự thân thì chỉ cần gọi tên của đối phương là đủ rồi.

 

4.반갑습니다 /반가워요. 

Có nghĩa là “Rất vui được gặp anh/chị”.  Hai câu này về mặt nghĩa thì giống như, nhưng 반갑습니다 mang sắc thái trang trọng hơn, còn  반가워요 mang sắc thái thân mật hơn. 

Người Hàn hầu như chỉ sử dụng biểu hiện này trong trường hợp gặp ai đó lần đầu tiên. 

Để đáp lại lời chào này các bạn có thể nói 

  • 네, 저도 반갑습니다”
  • 저도 반가워요”

Có nghĩa là “Tôi cũng rất vui được gặp/ làm quen với anh/ chị”. 

 

5. 이름이 뭐예요? 

Có nghĩa là “Tên anh/ chị là gì?”

Đây là một câu rất phổ biến, mặc dù nó không hẳn là một lời chào, nhưng là một trong những biểu hiện cần thiết để bắt đầu một cuộc hội thoại khi lần đầu tiên bạn gặp một ai đó. 

Vẫn là biểu hiện này nhưng ở hình thức trang trọng hơn các bạn có thể dùng

 “성함이 어떻게 되세요?”.  

성함 Có nghĩa là “quý danh/ quý tính” – là kính ngữ của “이름” (Tên)

Khi bạn gặp ai đó lần, hoặc trong mối quan hệ công việc mà bạn sử dụng câu này thì người Hàn đánh giá bạn rất cao. 

Vậy khi các bạn muốn giới thiệu tên mình bằng tiếng hàn thì có một số cách đơn giản sau: 

Cách đơn giản nhất là:

 “저는....이에요 / 예요”. ( Tôi là ....)  

Ví dụ tên mình là Yên, mình có thể nói là

저는 이엔이에요 – Tôi là Yên 

저는 화예요 – Tôi là Hoa. 

Đối với các bạn có tên kết thúc bằng phụ âm cuối (có patchim) thì sử dụng đuôi 이에요, ngược lại đối với các bạn có tên kết thúc bằng nguyên âm (không có patchim) thì sử dụng đuôi 예요.  

Cách thứ hai các bạn cũng có sử dụng cấu trúc sau để giới thiệu tên của mình

제 이름은 ­­­_____이에요/예요.  (Tên của tôi là ____) 

Ví dụ: 

제 이름은 이엔이에요.  (Tên của tôi là Yên)

제 이름은 화예요.  (Tên của tôi là Hoa)

Ngoài ra người Hàn còn rất hay giới thiệu tên bằng cách sau: 

저는  ______ (tên)  이라고 하다 / 라고 하다. (Tôi được gọi là _____) 

Đối với những bạn có tên kết thúc bằng phụ âm cuối (có patchim) thì sử dụng 이라고 하, ngược lại đối với những bạn có tên kết thúc bằng nguyên âm (không có patchim) thì sử dụng 라고 하다

Ví dụ

 저는 이엔이라고 해요. (Tôi được gọi là Yên)

저는 Lee 라고 해요. (Tôi được gọi là Lee)

Khi các bạn sử dụng những mẫu câu này trong môi trường trang trọng thì có thể thay đôi 이에요/예요 bằng đuôi입니다 hoặc해요 bằng 합니다.

 

6. Vậy khi tạm biệt, các bạn có biết người Hàn thường nói như thế nào không ? 

Trong tiếng Hàn có 1 cặp rất thú vị và rất phổ biến câu dùng để chào tạm biệt đó là:

안녕히 가세요. Anh/ chị đi mạnh khỏe/ bình an. 

안녕히 계세요. Anh/ chị ở lại mạng khỏe/ bình an. 

Điểm khác nhau giữa hai câu này là:

안녕히 trạng từ của từ 안녕하다 (Mạnh khỏe, bình an). 가다 có nghĩa là “Đi”, câu này có nghĩa là “Anh/ chị đi mạnh giỏi nhé, an toàn nhé”, thường được dùng để chào tạm biệt khi đối phương sẽ là người rời đi, hoặc cả bạn và đối phương đều là người rời đi. 

Còn 안녕히 계세요.

계세요à 계시다 là kính ngữ của động từ 있다 (Ở lại) 

Biểu hiện này thường được dùng khi bạn là người rời đi và đối phương là người ở lại, với nghĩa là “ Anh chị ở lại bình an nhé”. 

Khi chào tạm biệt các bạn có thể bổ sung thêm một số câu sau để làm cho cuộc hội thoại của bạn trở nên thân mật hơn như: 

  • 또 뵙겠습니다. Hẹn gặp lại anh.

(Câu này dùng với những người thực sự lớn tuổi hoặc có chức vị cao). 

  • 나중에 봐요. Hẹn gặp lại anh/ chị (có thể dùng cho những mối quan hệ thân mật)
  • 또 봐요. Hẹn gặp lại anh/ chị
  • 이따 봐요. Chút nữa gặp lại anh/ chị.

 

7. 수고 하셨습니다 (Anh/ chị đã vất vả rồi).

Biểu hiện này thường được sử dụng với mục đích động viên đối phương rằng họ đã làm việc vất vả rồi. Cũng có thể sử dụng câu này như một lời chào tạm biệt khi bạn và họ vừa làm xong một việc gì đó. Cùng trong tình huống này các bạn có thể sử dụng những biểu hiện tương tự như sau: 

수고 하셨어요. Anh / chị đã vất vả rồi.

수고 했어요.  Anh / chị đã vất vả rồi)  
수고 많았어요. Anh / chị vất vả nhiều rồi

2. Chào hỏi người quen  

1. Trong tiếng Hàn có 1 động từ là  “지내다” có nghĩa là “trải qua”, từ này người Hàn sử dụng với nhiều dạng câu khác nhau để tạo thành những câu hỏi thăm rất đa dạng. Ví dụ như잘 kết hợp với rất nhiều động từ để chỉ nghĩa là làm cái gì đó hay, tốt, giỏi ... 

  • 잘 지내요? Dịch thô câu này ra có nghĩa là “Anh/ chị trải qua tốt chứ”.  Nhưng nếu dịch thuần Việt ra thì câu này có nghĩa là: Anh/ chị có khỏe không?

Khi chia ở dạng quá khứ thì được dùng là: 

잘 지냈어요? 

그 동안 잘 지냈어요?  Có nghĩa là “Trong thời gian qua anh/chị sống có tốt không ? Hay đơn giản chỉ cần dịch là “Trong thời gian qua anh/ chị đã khỏe chứ?” 
Một số biểu hiện tương tự như sau: 

  • 잘 지내고 있어요?  Anh/ chị vẫn đang sống tốt chứ?
  • 요즘에 어떻게 지내요? Dạo nay anh/ chị sống thế nào ?

Đối với những người lớn tuổi hoặc có chức vụ cao hơn thì các bạn có thể  kết hợp với kính ngữ bậc nhất 시다 với ý nghĩa tương tự nhưng mang sắc thái trang trọng và lịch sự hơn. 

Ví dụ:

  • 잘 지내시지요? (죠 là hình thức nói tắt của 지요, thường dùng trong khẩu ngữ)
  • 잘 지내세요?
  • 잘 지내셨어요 ?

Cả ba biểu hiện này đều có nghĩa là “Anh/ chị có khỏe không ạ? / Anh/ chị khỏe chứ ạ?”

Còn đối với bạn bè hoặc có quan hệ rất thân thiết mà không cần đến kính ngữ, trang trọng  thì các bạn chỉ cần bỏ “요” để chuyển sang hình thức 반말 như:

Ví dụ:

  • 잘 지내 ?
  • 잘 지냈어 ?
  • 잘 지냈지 ?

Chắc hẳn nhiều bạn rất thắc mắc là: Ở đây bạn các bạn không thấy chủ ngữ ở đâu nhưng tại sao mình luôn dịch là “ Anh/ chị sống khỏe không, bạn vẫn tốt chứ ...” vậy “Anh/ chị” mình bỏ đi đâu mất rồi? 

Mình xin trả lời là trong tiếng Hàn, khi họ tự nói về bản thân, hoặc hỏi người trực tiếp nghe thì họ thường rút gọn chủ ngữ. Đây là một điều rất khác với tiếng Việt. Nếu dùng đại từ nhân xưng làm chủ ngữ quá nhiều thì thường mang lại cảm giác không tự nhiên. 

 

2. Trên đây mình đã hướng dẫn các bạn những cách chào hỏi , hỏi thăm mà người Hàn Quốc thường sử dụng trong những mỗi quan hệ quen biết, hoặc đã thân thiết. 
Vậy đối với nhưng mối quan hệ lâu ngày gặp lại, người Hàn thường dùng thế nào ?

  • 오랜만이에요 (Lâu rồi mới gặp).
  • 이게 얼마만이에요.  Ôi, bao lâu rồi nhỉ? (Bao lâu rồi chúng ta mới gặp nhau như thế này nhỉ)
  • 얼마만에 보는 거죠? Bao lâu rồi chúng ta mới gặp nhỉ ?

Những ai học tiếng Hàn sơ cấp hoặc đầu ơ cấp thì chắc là đã biết 얼마  có nghĩa là trong bao lâu, bao nhiêu. Động từ보다 là nhìn, gặp. Ở đây Phó từ만에 gắn sau danh từ chỉ thời gian để nhấn mạnh thời gian đó rất dài, rất lâu. Đuôi câu 지요 hay còn được đọc là죠  có nghĩa là “nhỉ ?” 

Ví dụ:

10년만에 다시 보는거네요. (10 năm rồi chúng ta mới gặp lại nhau nhỉ?)

 

3.  별일 없죠? 

별일 là từ viết tắt của 특별한 일 có nghĩa là “việc đặc biệt”. Vậy câu này đơn giản chỉ cần dịch là “ Không có việc gì đặc biệt chứ?”.

 

4. 오랜만에 만났는데 하나도 안 변했네요?

오랜만에: Lâu rồi mới….

만나다 : Gặp gỡ, gặp 

오랜만에 만났는데 Lâu lắm rồi mới gặp nhưng/ mà....  

하나도 안 변했네요 ! Không thay đổi gì nhỉ. 

  • Lâu rồi mới gặp mà anh/ chị/ em chẳng thay đổi gì nhỉ?

Hoặc một câu ngắn gọn hơn nhưng có 1 ý nghĩa tương tự là: 

 옛날 그대로네요 : Anh/ chị / em vẫn như xưa nhỉ 

 

5. 왜 그렇게 얼굴 보기가 힘들어요?

 “Sao gặp mặt anh khó thế?”

 Nhưng mình muốn lưu ý với các bạn là, các biểu hiện trước thì mang ý nghĩa phấn khơi, vui vẻ và tích cực hơn. 
Còn riêng biểu này mang ý nghĩa trách móc nhiều hơn. 

- Dương Hồng Yên (Hàn Quốc Nori) -